Nên lượng sức mình trước khi nộp đơn xin việc nếu muốn tìm được việc

Hãy nhớ thất bại là mẹ của thành công, nếu biết xác định đúng nguyên nhân sẽ có các giải pháp đúng và có hiệu quả.

Ông Tôn Tử, một chiến lược gia của Trung Quốc cổ đại, nói rằng “Biết mình, biết người, trăm trận, trăm thắng”. Bạn chính là mình, người là cơ quan tuyển dụng. Vậy hãy tự đánh giá mình theo trình tự sau đây
1- Mặt mạnh và mặt yếu của mình là gì?

Bạn nên dùng giấy bút, liệt kê làm hai cột các mặt mạnh và yếu, do bạn nhận xét hoặc người thân đánh giá bạn. Sau đó hãy chốt lại mỗi loại mạnh và yếu 3 điểm mà bạn cho là cơ bản nhất.

2- Thành công đã đạt và thất bại mà mình đã nếm trải trong học tập, khi hành nghề và trong cuộc sống đời thường?

Hãy nhìn bao quát một chút, gồm cả mặt được và chưa được trong học tập, thể thao, trong quan hệ xã hội… Hãy nhớ thất bại là mẹ của thành công, nếu biết xác định đúng nguyên nhân sẽ có các giải pháp đúng và có hiệu quả.

3- Sức khỏe của mình có đảm bảo không?

Bạn nên xem xét tòan diện từ thị lực, thính lực, độ bền, chiều cao, cân nặng.

4- Trình độ đào tạo và kỹ năng của mình?

Bạn phải làm rõ mình đã tốt nghiệp trường nào, ngành nghề gì, khả năng ngoại ngữ, sử dụng máy vi tính ra sao và những khả năng nổi trội như có thể làm việc với cường độ cao…

5- Sở thích của mình là gì (thể thao, văn nghệ, đọc sách, gặp gỡ bạn bè…)?

Chẳng ngại gì mà bạn không liệt kê các sở thích như đá bóng, bóng bàn, ca hát, nấu nướng, nói chuyện với bạn trẻ, đọc sách, chụp ảnh, may vá, du lịch và xem tivi… Hãy nhớ một số cơ quan, xí nghiệp khi tuyển dụng rất khoái các ứng viên có tài lẻ về văn nghệ, thể thao… Một số thú vui và ưa thích của bạn có thể giúp bạn dễ hòa nhập với mọi người.

6- Mình có ước mơ gì không và nếu có thì là gì?

Hãy mạnh dạn liệt kê những ước mơ của bạn, kể cả bạn muốn trở thành nhà văn vĩ đại như Victo Huygô hay nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân, hay nữ ca sĩ nổi tiếng Thanh Lam. Hoặc “khiêm tốn” hơn là muốn trở thành giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao, cô nuôi dạy trẻ… Các bạn cứ thoải mái ước mơ, vì theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, có tới 1.400 nghề nghiệp khác nhau cơ đấy.

7- Mình có dễ hòa nhập với mọi người không?

Hoạt động lao động ngày nay đòi hỏi sự cộng tác, biết làm việc trong tập thể. Dù nhà văn ngồi một mình để sáng tác, nhưng muốn có ý tưởng hay, có câu chuyện gắn với cuộc sống con người thì phải hòa nhập với mọi người, với cuộc sống. Đó cũng là cơ hội tốt để học hỏi cái hay, tránh cái dở. Các nhà tuyển dụng thường đặt câu hỏi “Bạn có sẵn sàng làm việc theo tổ, nhóm không và tại sao?”. Trả lời sẵn sàng thì dễ, nhưng hãy chuẩn bị lý giải là tại sao.

8- Mình sẽ làm gì trong 5 năm tới?

Điều này liên quan đến ước mơ của bạn. Nhưng ước mơ thì có thể kéo dài trong suốt cuộc đời. Còn ở đây là một đoạn thời gian xác định để bạn phấn đấu với chương trình, kế hoạch cụ thể. Nếu chưa có kế hoạch, mục tiêu, bạn hãy lập kế hoạch phân bổ thời gian, phương thức thực hiện và các nguồn lực cần huy động để thực hiện ước mơ 5 năm này.

Có một câu hỏi rất hay là “điều quan trọng không phải là bạn đã ở đâu, hay bạn đang ở đâu mà là bạn muốn đi đến đâu?”.

Bạn nên nhớ tự hỏi thì dễ, nhưng trả lời có khi hơi khó. Tốt nhất là hãy tâm sự với người thân, bố mẹ, anh chị em, bạn bè. Không nên ngộ nhận rằng mình đã biết mình.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *