Những bước cơ bản phát triển kỹ năng giao tiếp hiệu quả
Đồng thời các hành động cử chỉ của tay cũng thể hiện được mong muốn đối phương lắng nghe và thấu hiểu được điều mà bạn đang truyền tải. Tùy thuộc vào tính chất cuộc nói chuyện mà có sự điều chỉnh sao cho phù hợp.
Kỹ năng giao tiếp hiệu quả rất quan trọng trong việc phát triển các mối quan hệ, nâng cao trình độ chuyên môn và hỗ trợ cho công việc. Hẳn bạn cũng đã biết tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp hiện nay như thế nào rồi. Nhưng để có được kỹ năng giao tiếp tốt, bạn cần phải rèn luyện và trải nghiệm mới có thể đạt được những điều mà bạn mong muốn
Bước 1: Trước hết, bạn cần hiểu rõ những vấn đề căn bản trong giao tiếp
1. Cam đảm nói ra những gì bạn suy nghĩ
Hãy tự tin rằng bạn có thể có đóng góp đáng kể trong buổi trò chuyện. Hãy dành một phần thời gian trong ngày để nhận thức những dòng suy nghĩ và cảm xúc của bạn, như vậy bạn có thể truyền đạt đầy đủ điều bạn muốn truyền tải cho người khác. Có những người do dự khi nói chuyện vì bản thân họ sợ người khác cho rằng câu chuyện của mình không đáng nghe. Bạn cần hiểu rằng đôi khi một câu chuyện không quan trọng đối với người này nhưng lại rất quan trọng và ý nghĩa đối với người khác.
2. Luyện tập
Yếu tố luyện tập cũng góp phần củng cố khả năng giao tiếp, bạn có thể bắt đầu từ quá trình tương tác gần gũi với mối quan hệ thân cận trong gia đình, nhóm bạn bè, đối tượng thân thích rồi mở rộng ra là những người lạ, mới quen biết. Đó cũng là cơ hội trao đổi, học hỏi văn hóa đến từ vùng, miền khác nhau.
Bước 2: Bạn cần tạo sự lôi cuốn đối với người đối diện
1. Giao tiếp bằng mắt
Dù bạn đang nói chuyện hay lắng nghe, hãy nhìn vào mắt của đối phương. Điều này sẽ giúp bạn tương tác thành công hơn. Giao tiếp bằng mắt thể hiện sự quan tâm của bạn và khuyến khích đối phương cởi mở trao đổi cùng nhau.
Một kỹ thuật để hỗ trợ kỹ năng giao tiếp bằng mắt là ý thức nhìn vào một bên mắt của người nghe, sau đó chuyển sang bên mắt kia. Một thủ thuật khác là tưởng tượng ra một chữ “T” trên gương mặt của người nghe, với thanh ngang là một đường tưởng tượng trên lông mày và đường thẳng đứng đi xuống trung tâm của mũi. Hãy giữ mắt của bạn quét trong vòng khu vực chữ “T” đó.
2. Sắc thái biểu cảm kết hợp hành động cử chỉ
Sắc thái biểu cảm trên gương mặt sẽ bộc lộ rõ nét sự hứng thú hay chán chường với câu chuyện đang được đề cập đến. Đồng thời các hành động cử chỉ của tay cũng thể hiện được mong muốn đối phương lắng nghe và thấu hiểu được điều mà bạn đang truyền tải. Tùy thuộc vào tính chất cuộc nói chuyện mà có sự điều chỉnh sao cho phù hợp.
3. Tránh rơi vào trường hợp gửi đến những thông điệp trái chiều
Hãy thống nhất từ ngữ, cử chỉ, biểu hiện nét mặt và tông giọng phù hợp với hoàn cảnh và thông điệp muốn truyền tải, như hoàn cảnh ấm cúng, thân mật hay nghiêm trang, lịch sự như thế nào, thông điệp phê bình, lên án hay tuyên dương, tán thưởng sẽ ra sao? Cười tươi trong khi đang chỉ trích hay xử lý kỷ luật đối với ai đó sẽ cho thấy một thông điệp lẫn lộn và do đó sẽ không hiệu quả nữa. Nếu bạn phải truyền tải một thông điệp tiêu cực, hãy giữ cho lời nói, nét mặt, tông giọng của bạn phù hợp với thông điệp nghiêm túc đó.
4 .Nhận thức những gì cơ thể bạn đang biểu hiện
Ngôn ngữ cơ thể có thể nói lên nhiều thứ hơn cả từ ngữ. Tư thế mở với cánh tay thả lỏng dọc cơ thể cho thấy bạn có thể dễ dàng tiếp nhận và sẵn lòng lắng nghe những gì mọi người xung quanh muốn nói. Mặt khác, động tác khoanh tay và khom vai lại cho thấy sự thờ ơ đối với cuộc trò chuyện hoặc biểu hiện sự không sẵn sàng khi giao tiếp. Thông thường, một cuộc hội thoại có thể bị ngừng ngay cả trước khi nó bắt đầu chỉ vì một vài cử chỉ vô tình gây mất cảm tình từ người đối diện. Cử chỉ, biểu hiện tư thế phù hợp có thể khiến các cuộc đối thoại khó khăn trở nên thông suốt hơn.
5. Biểu lộ thái độ mang tính xây dựng và niềm tin
Thái độ và biểu hiện của bạn sẽ góp phần tăng hiệu quả giao tiếp. Trò chuyện cởi mở và chân thành sẽ tạo được thiện cảm với đối phương, tùy vào đối tượng mà có những cách giao tiếp khác nhau: cấp trên – cấp dưới, đồng nghiệp, bạn bè,… mà có sự điều chỉnh phù hợp.
6. Phát huy kỹ năng lắng nghe hiệu quả
Bên cạnh kỹ năng nói, kỹ năng lắng nghe người khác nói cũng nên được trau dồi, qua đó thể hiện sự thông cảm, sẻ chia trước những vấn đề người khác đề cập đến, tạo được niềm tin, độ tin cậy từ phía người đối diện, dẫn đến quá trình tương tác đạt hiệu quả cao hơn hẳn.
Bước 3: Sử dụng từ ngữ mềm dẻo và linh hoạt
1. Phát biểu rõ ràng
Cách nói lí nhí sẽ thể hiện bạn là người nhút nhát, thiếu tự tin, thay vào đó cần phát âm to – rõ, và cũng tùy vào cuộc nói chuyện diễn ra trong hoàn cảnh nào mà điều chỉnh âm lượng cho tương xứng. Nếu mọi người luôn yêu cầu bạn lặp lại, hãy cố gắng thể hiện bản thân bằng cách khác tốt hơn.
2. Sử dụng những từ thích hợp
Người khác sẽ đánh giá khả năng của bạn thông qua vốn từ vựng mà bạn dùng. Nếu bạn không chắc chắn về ý nghĩa của một từ, không nên sử dụng nó. Tiếp tục trau dồi vốn từ vựng bằng công cụ từ điển và bắt đầu một thói quen hàng ngày là học một từ mới mỗi ngày. Thỉnh thoảng sử dụng nó trong các cuộc trò chuyện của bạn với mọi người xung quanh khi cần thiết.
3. Điều chỉnh tốc độ nói
Mọi người sẽ cảm nhận rằng bạn đang lo lắng và không biết chắc mình có nói nhanh hay không. Tuy nhiên, hãy cẩn thận để không nói chậm đến mức mà người nghe phải bắt đầu kết thúc câu của bạn chỉ để giúp bạn hoàn thành câu nói.
Bước 4: Hãy biến giọng nói của bạn trở thành một sức mạnh trong giao tiếp
1. Rèn luyện giọng nói
Tông giọng cao không được xem là lợi thế khi nói chuyện. Trên thực tế, giọng nói quá cao và mỏng manh có thể khiến bạn bị những người khác cho là không nghiêm túc. Hãy bắt đầu tập luyện để hạ thấp độ cao giọng nói của bạn. Tập hát những bài hát yêu thích ở quãng tám sẽ giúp tạo ra âm thanh dễ chịu, hãy thực hành và sau một khoảng thời gian, giọng nói của bạn sẽ bắt đầu trầm hơn và tiến bộ rõ rệt.
2. Khiến giọng của bạn trở nên sinh động
Cần có điểm “nhấn nhá” vào chủ đề trọng tâm, hoặc ý bạn muốn nhấn mạnh, tránh gây mê/ gây buồn ngủ cho người nghe. Những người dẫn chương trình của đài phát thanh radio là những ví dụ tốt cho việc kiểm soát tông giọng.
3. Điều chỉnh âm lượng phù hợp
Sử dụng âm lượng thích hợp cho mỗi lần trò chuyện. Nói chuyện nhẹ nhàng hơn khi các bạn đang ở một mình và ngồi gần nhau. Hãy nói lớn hơn khi bạn đang nói chuyện với các nhóm lớn hơn hoặc trong các không gian lớn hơn.
Thành thạo kỹ năng giao tiếp sẽ giúp chúng ta kết nối với người khác dễ dàng và hiệu quả hơn. Giao tiếp nên dựa trên nguyên tắc tôn trọng, linh hoạt, khéo léo, qua đó cho phép ta giải quyết những khác biệt, mâu thuẫn, xây dựng lòng tin trong tất thảy các mối quan hệ mà bạn đang có.
Leave a Reply